Công nghệ IVF thụ tinh ống nghiệm lần đầu thực hiện tại nước ta từ năm 1997. Sau gần 30 năm, phương pháp đã giúp hàng triệu gia đình đón nhận hạnh phúc vô bờ bến khi đang khao khát, tìm kiếm “con yêu”. Bạn muốn tìm hiểu thêm về IVF và quy trình IVF thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Happy Mommy nhé!

Phương pháp IVF là gì?

IVF (In vitro fertilization) là phương pháp thụ tinh ống nghiệm trong điều trị vô sinh – hiếm muộn. Phương pháp sẽ lấy tinh trùng của nam giới và trứng của nữ giới thực hiện thụ tinh trong phòng labo để tạo phôi. Thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài là 2 – 5 ngày trước khi đưa trở lại tử cung người phụ nữ để phát triển thành thai nhi.

Phương pháp IVF khác với IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) trong hỗ trợ sinh sản là IVF sẽ thực hiện quá trình thụ tinh bên ngoài cơ thể người phụ nữ. Phôi sẽ được tạo xong rồi mới đưa vào buồng tử cung, không thực hiện bên trong cơ thể của người phụ nữ như phương pháp IUI. 

Đối tượng phù hợp nhất để áp dụng phương pháp IVF gồm:

  • Các cặp vợ chồng mong con nhưng đã lớn tuổi, khó thụ tinh tự nhiên.
  • Các cặp vợ chồng mong muốn có con nhưng do yếu tố miễn dịch hay vô sinh chưa rõ nguyên nhân nên khó mang thai tự nhiên.
  • Các cặp vợ chồng có gen bệnh như: Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc gen trong quá trình thực hiện IVF để hạn chế nguy cơ sinh con mắc bệnh.
  • Người vợ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, lạc nội mạc tử cung,…
  • Người chồng mắc vấn đề rối loạn phóng noãn, bất thường tinh trùng,…
IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn được ứng dụng phổ biến nhất
IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn được ứng dụng phổ biến nhất

Quy trình IVF chi tiết

Các cặp vợ chồng sau khi được chỉ định làm IVF sẽ tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra, đánh giá sức khỏe tổng quát và chức năng sinh sản. Sau đó quy trình IVF được thực hiện với 5 bước như sau:

Bước 1: Kích thích buồng trứng

Người vợ sẽ được tiến hành tiêm hoặc uống thuốc kích thích buồng trứng trước đó 10 – 12 ngày để phát triển nang noãn và nội mạc tử cung. Khi nang noãn đạt kích thước tiêu chuẩn phù hợp nhất, người vợ được tiêm thuốc kích thích trứng trưởng thành (kích rụng trứng) theo sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc kích trứng là các biệt dược chứa nội tiết tố nhằm hỗ trợ trứng phát triển tốt hơn và khả năng rụng nhiều trứng, hình thành nhiều nang trứng cao hơn. Từ đó giúp tăng tỷ lệ thu được nhiều nang noãn chất lượng cao

Một số loại thuốc tiêm kích trứng thường dùng gồm có:

  • Human menopausal gonadotropin (hMG)
  • Recombinant FSH (FSH tái tổ hợp)
  • Human chorionic gonadotropin (hCG)
  • Gonadotropin releasing hormone agonist – GnRH đồng vận
  • Gonadotropin releasing hormone antagonist – GnRH đối vận

Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng các loại thuốc uống kích thích rụng trứng sau:

  • Clomiphene citrate
  • Aromatase Inhibitor

Bước 2: Chọc hút trứng

Đây là thủ thuật chọc hút trứng qua ngã âm đạo, thực hiện sau khoảng 36 giờ kể từ khi người vợ tiêm mũi thuốc cuối cùng. Sau đó, người vợ được gây mê để chọc hút trứng, thủ thuật chỉ mất 10 – 15 phút. Số lượng trứng phụ thuộc vào độ tuổi của nữ giới, tuổi càng cao thì lượng trứng càng giảm. Số lượng trứng trung bình ở nữ theo độ tuổi như sau:

  • Từ 20-30 tuổi có khoảng 12-30 nang trứng
  • Từ 30-40 tuổi có khoảng 8-15 nang trứng
  • Từ 41-46 tuổi có khoảng 4-10 nang trứng

Người chồng đồng thời lúc đó cũng được lấy mẫu tinh trùng tươi, với nhiều trường hợp sẽ rã đông mẫu tinh trùng đã được bảo quản đông lạnh trước đó trước khi thực hiện thụ tinh với trứng.

Bước 3: Tạo phôi

Trứng và tinh trùng được chuyển đến phòng Labo để thực hiện thụ tinh và tạo phôi trong môi trường đặc biệt này. Thời gian nuôi cấy phôi khoảng từ 2 – 5 ngày, đến khi phôi phát triển đạt tiêu chuẩn sẽ được chuyển vào buồng tử cung người vợ. 

Tại giai đoạn này, tinh trùng sẽ gặp trứng bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng trực tiếp qua màng noãn để tạo phôi (Intra-Cytoplasmic Sperm Injection). Tính đến nay, kỹ thuật ICSI được xem là phương pháp hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao và đang được ứng dụng rộng toàn cầu, được chỉ định hỗ trợ trong nhiều trường hợp hiếm muộn, vô sinh.

Bước 4: Chuyển phôi

Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung người vợ theo một trong hai kỹ thuật: chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi đông lạnh. Trước thời gian chuyển phôi, người vợ sẽ được dùng thuốc uống và đặt âm đạo để chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tử cung đón nhận phôi.

Kỹ thuật chuyển phôi IVF sẽ được bác sĩ thực hiện vào khoảng các ngày 18 – 20 của chu kỳ kinh nguyệt với điều kiện sức khoẻ của thai phụ ở tình trạng tốt.

Một số thuốc được chỉ định dùng trước khi chuyển phôi:

  • Thai phụ thường được chỉ định sử dụng Estrogen từ ngày 2 của chu kỳ kinh nguyệt và kéo dài khoảng 2 tuần để kích thích nội mạc tử cung phát triển, ngăn rụng trứng tự nhiên. Estrogen dùng được qua nhiều đường như uống, tiêm, đặt âm đạo hoặc dán da.
  • Dùng Progesterone nhằm tăng nội tiết tố cho phôi thai làm tổ trước khi chuyển phôi 3-5 ngày.

Bác sĩ khi kiểm tra nếu thấy niêm mạc tử cung có độ dày phù hợp (9-10mm), thuận lợi để phôi làm tổ và phát triển sẽ tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung. Quá trình chuyển phôi này diễn ra rất nhanh chóng, chỉ 5 đến 10 phút. Người vợ có thể ra về hay ở lại theo dõi tại bệnh viện tùy tình trạng sức khỏe, thường thì có thể ra về sau 1-2h nằm nghỉ ngơi để tăng tỉ lệ thụ thai.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung để tăng tỷ lệ thụ thai trong 14 ngày sau khi chuyển phôi. Các loại thuốc sẽ được bác sĩ chỉ định cho từng trường hợp cụ thể. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm nên thai phụ tuyệt đối không dùng thêm thuốc ngoài chỉ định có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ thai.

Bước 5: Thử thai

Người vợ đến tái khám sau khoảng 10-14 ngày sau thực hiện IVF để kiểm tra và xét nghiệm máu (Beta HCG) xem phôi đã làm tổ, quy trình IVF có thành công hay không. Nồng độ Beta HCG máu nếu cao hơn 25 IU/L là người vợ đang mang thai, quy trình IVF đã thành công. 

Quy trình IVF thụ tinh trong ống nghiệm
Quy trình IVF thụ tinh trong ống nghiệm

Quá trình làm IVF mất bao lâu?

Thời gian thực hiện toàn bộ quá trình làm IVF này sẽ mất từ 3 đến 4 tuần tính từ thời điểm người vợ kích trứng. Vợ chồng trước khi thực hiện IVF cần chuẩn bị sức khỏe, tâm lý, tiêm phòng các mũi tiêm cần thiết trước đó ít nhất 3 tháng để đảm bảo quy trình IVF thực hiện thành công, thuận lợi, phôi khỏe mạnh nhất.

Quá trình làm IVF mất từ 3 – 4 tuần
Quá trình làm IVF mất từ 3 – 4 tuần

Làm IVF hết bao nhiêu tiền?

Chi phí thực hiện IVF sẽ dao động từ 70 – 150 triệu đồng tùy thuộc cơ sở y tế thực hiện đưa ra. Chi phí bao gồm tiền thuốc người vợ sử dụng chuẩn bị kích trứng trước chuyển phôi và chi phí thực hiện IVF tại phòng chuyên biệt. Ngoài chi phí này, khoản phí phát sinh có thể là phí cấp đông phôi, lưu trữ phôi dao động nhiều ít tùy số lượng phôi lưu trữ. 

Chi phí làm IVF dao động từ 70 – 150 triệu đồng
Chi phí làm IVF dao động từ 70 – 150 triệu đồng

Hy vọng các thông tin ở trên Happy Mommy cung cấp giúp bạn đọc thêm thêm về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và quy trình IVF chi tiết. Đây chính là phương pháp hỗ trợ sinh sản tốt nhất đã giúp rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có thể “đón con”. Vợ chồng bạn hãy tìm hiểu và đến trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa uy tín để được tư vấn chi tiết hơn.

Bình luận