Thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, trong đó có vấn đề nhau tiền đạo. Vậy nhau tiền đạo là gì? Nguyên nhân gì khiến mẹ bầu gặp tình trạng này? Cách phòng ngừa và điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu thêm nhiều thông tin về tình trạng nhau tiền đạo qua thông tin bài viết dưới đây cùng Happy Mommy để nhận biết, chủ động phòng tránh bệnh, giữ sức khỏe thai kỳ.

Nhau tiền đạo là gì?

Nhau thai là cơ quan được hình thành trong tử cung chị em phụ nữ khi thai nhi làm tổ trong bụng. Nhau thai thường có hình tròn, đường kính chừng 15cm, nặng khoảng 1/5 đến 1/6 trọng lượng thai nhi (chừng 400 – 500g), bề dày là 2,5 – 3 cm. Bánh nhau thông thường gồm có 15 – 20 múi, các múi chính là các rãnh nhỏ.

Nhau thai có chức năng chính là bảo vệ và cung cấp oxy, chất dinh dưỡng qua máu vào dây rốn để thai nhi phát triển. Nhau thai bám sát thành tử cung người mẹ, gắn kết với phía trên, phía trước, bên hông hoặc phía sau tử cung cùng dây rốn của thai nhi.

Những vấn đề nhau thai gặp phải đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cùng sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Nhau thai nếu bám ở vị trí quá thấp, được gọi là biến chứng nhau tiền đạo hay nhau bám thấp, có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ.

Nhau tiền đạo (rau tiền đạo) vì bám vào đoạn dưới gần cổ tử cung, che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, sẽ cản trở đường đi của thai nhi trong quá trình chuyển dạ sinh thường. Nhiều trường hợp tình trạng diễn biến phức tạp, người mẹ được chỉ định mổ lấy thai, không thể sinh thường, thậm chí lấy thai sớm. 

Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai nằm sát dưới tử cung, gần cổ tử cung
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai nằm sát dưới tử cung, gần cổ tử cung

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị nhau tiền đạo

Phôi thai làm tổ tại bất cứ vị trí nào trong tử cung thì nhau thai sẽ được phát triển ngay tại chỗ đó. Phôi thai nếu làm tổ ở vị trí dưới của tử cung thì nhau thai cũng hình thành và tồn tại gần đó, hình thành tình trạng nhau tiền đạo. Nguyên nhân chính khiến tình trạng này xảy ra đến nay chưa thể xác định, nhưng các yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ nhau tiền đạo với mẹ bầu:

  • Mẹ bầu từng bị viêm nhiễm tử cung, viêm nhiễm phụ khoa nặng.
  • Mẹ bầu từng trải qua nhiều lần mang thai, sinh nở.
  • Mẹ bầu có tiền sử nạo phá thai nhiều lần hoặc sảy thai nhiều lần.
  • Mẹ bầu từng mang đa thai khiến nhau thai lớn hơn, dễ khiến nhau tiền đạo hình thành.
  • Mẹ bầu nếu từng bị nhau tiền đạo ở các lần mang thai trước thì lần mang thai này cũng có nguy cơ bị cao hơn.
  • Mẹ bầu đã hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích trước và trong suốt thai kỳ.
  • Mẹ bầu từng có tử cung dị dạng.
  • Tử cung mẹ bầu có sẹo mổ trên tử cung do mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung,…
  • Mẹ bầu đã có tuổi cao, trên 35 tuổi. 
Mẹ bầu mang đa thai có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo
Mẹ bầu mang đa thai có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo

Triệu chứng nhận diện nhau tiền đạo 

Mẹ bầu có thể nhận biết tình trạng nhau tiền đạo qua các triệu chứng dưới đây:

  • Tử cung co thắt thường xuyên khiến mẹ bầu bị đau bụng, đau thắt tử cung thường xuyên, cơn đau có thể âm ỉ đến dữ dội.
  • Xuất huyết âm đạo, ra máu âm đạo bất thường, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, máu ra có màu đỏ tươi, có thể là máu cục hay máu nhỏ giọt. Tuổi thai càng lớn thì tình trạng ra máu càng nhiều.
  • Mẹ bầu bị thiếu máu trầm trọng, khiến dễ bị hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, kém hấp thu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Rau tiền đạo khiến mẹ bầu bị chảy máu bất thường trầm trọng
Rau tiền đạo khiến mẹ bầu bị chảy máu bất thường trầm trọng

Biến chứng với mẹ bầu và thai nhi khi bị nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là một biến chứng nguy hiểm với cả sức khỏe mẹ và bé trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con. Cụ thể biến chứng với thai phụ và thai nhi như sau:

Biến chứng với thai phụ

Bệnh khiến mẹ bầu xuất huyết nhiều trong suốt thai kỳ khiến tăng nguy cơ bị sinh non, sảy thai, sau sinh cũng mất máu nhiều. Trường hợp nhau tiền đạo bám sát cổ tử cung không thể bóc tách sẽ khiến cổ tử cung hở. Đây là cơ hội cho vi khuẩn có hại dễ xâm nhập, gây nhiễm trùng tử cung. Nhiều trường hợp phải cắt bỏ tử cung vì bánh nhau bám quá chặt vào cơ tử cung.

Biến chứng với thai nhi

Mẹ bầu ra máu nhiều suốt thai kỳ, bị thiếu máu nên thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, suy thai. Mẹ bầu nếu xuất huyết quá nhiều cần chỉ định mổ lấy thai gấp, thậm chí khi thai nhi còn quá nhỏ, khiến bé có nguy cơ cao bị suy hô hấp và suy giảm hệ miễn dịch. 

Bánh nhau thai nằm dưới sát cổ tử cung khiến thai nhi khó xoay đầu, ngôi thai ngược khiến quá trình sinh nở gặp khó khăn. Điều này đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi, phương án mổ lấy thai là cần thiết. 

Mẹ bầu bị nhau tiền đạo có nguy cơ cao sinh non
Mẹ bầu bị nhau tiền đạo có nguy cơ cao sinh non

Phương pháp chẩn đoán và cách điều trị nhau tiền đạo 

Tình trạng nhau tiền đạo có thể chẩn đoán chính xác qua việc xác định vị trí bánh nhau bám trong hình ảnh siêu âm. Bác sĩ nếu nhận thấy khoảng cách giữa bánh nhau và thành bàng quang hẹp hơn 2cm, có thể siêu âm phát hiện sớm tình trạng từ sau tuần thai thứ 28.

Nguyên tắc chung trong điều trị nhau tiền đạo là cầm máu để kiểm soát tình trạng cho thai phụ. Thai phụ tùy theo mức độ xuất huyết, tuổi thai để đánh giá mức độ thiếu máu và chỉ định cách để kéo dài tuổi thai, có thể chỉ định mổ lấy thai sớm. Cụ thể cách điều trị nhau tiền đạo trong từng trường hợp như sau:

Trường hợp nhau tiền đạo khi chưa chuyển dạ

Thai phụ giai đoạn này cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế đi lại. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho mẹ bầu sử dụng thuốc giảm co như spasmaverine 40mg, salbutamol, progesterone kết hợp corticoid với trường hợp thai nhi trưởng thành sớm. 

Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai định kỳ, theo dõi sát sao, có thể nhập viện để được bác sĩ theo dõi đến lúc chờ chuyển dạ. Thai nhi khi đã đủ tháng, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi. 

Trường hợp mẹ bầu gặp biến chứng nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược là tình trạng nhau thai xâm lấn vào thành tử cung và không thể tách rời tự nhiên, đây là tai biến cực kỳ nguy hiểm trong quá trình sinh sản.

Nhau cài răng lược là biến chứng nặng nhất của tình trạng nhau tiền đạo. Tình trạng khiến việc phẫu thuật mổ lấy thai rất khó khăn, thai phụ sẽ mất rất nhiều máu, gây tổn thương đến tử cung và bàng quang. 

Bác sĩ sẽ cần mổ dọc lấy thai thay vì mổ ngang như thông thường. Trường hợp không thể bóc nhau thai sẽ được chỉ định cắt tử cung để hạn chế tối đa tình trạng mất máu nguy hiểm cho thai phụ sau sinh.

Thai phụ bị nhau tiền đạo cần mổ dọc lấy thai theo chỉ định của bác sĩ
Thai phụ bị nhau tiền đạo cần mổ dọc lấy thai theo chỉ định của bác sĩ

Phòng ngừa tình trạng nhau tiền đạo 

Chị em có thể chủ động thực hiện các lưu ý dưới đây để có một thai kỳ khỏe mạnh, có quá trình sinh nở an toàn, tránh các biến chứng nguy hiểm cho bản thân và thai nhi:

  • Hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, nên kiểm soát, kế hoạch hóa gia đình, không nên mang thai khi đã có nhiều con.
  • Tuân thủ chỉ định theo lời khuyên của bác sĩ cho lần mổ lấy thai để tránh mang thai thời gian sớm, tránh sẹo tử cung tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo.
  • Hạn chế quan hệ tình dục không an toàn, hạn chế nạo phá thai nhiều lần.
  • Mẹ bầu không được hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, tránh xa người hút thuốc lá để hạn chế hít phải khói thuốc.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn khi mang thai, tránh làm việc nặng nhọc, làm việc quá sức.
  • Ăn uống, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
  • Đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám sau khi nhận thấy triệu chứng bất thường, nghi ngờ bị rau tiền đạo.
  • Thăm khám định kỳ trong suốt thai kỳ, nhập viện theo dõi nếu được chẩn đoán mắc bệnh ở những tháng cuối thai kỳ.
  • Nếu thai phụ có vết mổ cũ ở khu vực tử cung thì cần thăm khám sớm nhất có thể khi phát hiện có thai, để bác sĩ kiểm tra vị trí phôi thai có khả năng hình thành nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược hay không.
Thai phụ thăm khám định kỳ đầy đủ để phòng ngừa, kiểm soát nhau tiền đạo 
Thai phụ thăm khám định kỳ đầy đủ để phòng ngừa, kiểm soát nhau tiền đạo

Nhau tiền đạo là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm với cả thai phụ và thai nhi. Hy vọng những thông tin trên của bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ về vấn đề này, để chủ động phòng tránh và kiểm soát tình trạng để có một thai kỳ khỏe mạnh, thuận lợi. Mẹ bầu tìm đến sự theo dõi, trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa để hạn chế gặp biến chứng xấu cho cả mẹ và thai nhi khi nhận thấy có dấu hiệu của tình trạng này.

BS-SPK-Nguyễn-Thị-Hồng-Thắm

Bác sĩ Hồng Thắm tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Y Dược TP. HCM. Chị yêu nghề và đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực Sản phụ khoa.

Bác sĩ Hồng Thắm có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại bệnh viện Sản phụ khoa lớn ở khu vực miền Nam là Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.  Nhờ có chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm làm việc với chị em phụ nữ, đến nay bác sĩ Thắm đã chăm sóc sức khỏe sinh sản và chữa trị cho hàng nghìn phụ nữ.

– Chứng chỉ thực hành Phôi/ Tinh trùng/ Trứng học trong Laboratories IVF – BV Mỹ Đức
– Chứng chỉ thực hành lâm sàng Thụ tinh trong ống nghiệm IVF/ IUI/ IVM – BV Mỹ Đức
– Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản (IVF/ IUI/ IVM) – BV Đại học Y Dược TPHCM Cơ sở 1
– Hội viên Hội nội tiết sinh sản TPHCM (HOSREM)

Bình luận