Giang mai là bệnh lý nguy hiểm dễ dàng lây qua đường quan hệ tình dục. Việc xét nghiệm giang mai là cách giúp bệnh nhân phát hiện sớm nhất nhằm điều trị bệnh được hiệu quả hơn, tránh lây lan ra cộng đồng. Để bạn hiểu rõ về bệnh giang mai và các phương pháp chẩn đoán bệnh lý này, bài viết dưới đây Happy Mommy đã tổng hợp nhiều thông tin hữu ích, hãy cùng tìm hiểu nhé.
Đôi nét về bệnh giang mai
Bệnh giang mai xuất hiện là do xoắn khuẩn Treponema Pallidum ký sinh vào cơ thể. Xoắn khuẩn này lây truyền từ người bệnh này sang người khác thông qua hoạt động quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh giang mai có 3 giai đoạn phát triển trong cơ thể con người mà bạn nên biết, cụ thể:
Giai đoạn 1
Cơ thể người bệnh xuất hiện một số dấu hiệu như các vết loét không ngứa, hình tròn hoặc bình bầu dục ở cơ quan sinh dục, tuy nhiên không có mủ, không gây đau đớn. Đây là các vết săng giang mai, tồn tại tầm 6 – 8 tuần rồi tự động biến mất.
Giai đoạn 2
Trên da người bệnh bắt đầu nổi lên các nốt ban hồng như phỏng nước, vùng da ở bộ phận sinh dục có các nốt sẩn bị lở loét, sẩn màu đỏ hồng, sẩn hoại tử, sẩn dạng vảy nến hoặc sẩn dạng trứng cá, thâm nhiễm,…
Giai đoạn 3
Giai đoạn cuối của bệnh giang mai không chỉ xuất hiện ở cơ quan sinh dục mà còn lan sang các cơ quan khác trên cơ thể, ví dụ như tim, cơ, gan. Từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Rối loạn chức năng tình dục.
- Phình động mạch chủ, đột quỵ.
- Viêm gan.
- Rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ.
- Bại liệt.
- Mất thính lực.
- Trẻ nhiễm giang mai từ bố mẹ có thể bị dị tật hoặc tử vong sau sinh.
- Tử vong.
Ai nên thực hiện xét nghiệm giang mai?
Bệnh lý này rất nguy hiểm do đó mọi người nên thực hiện xét nghiệm giang mai nếu bản thân thuộc nhóm đối tượng dưới đây:
- Có nhiều bạn tình.
- Người đang bị nhiễm HIV/AIDS nhưng vẫn quan hệ tình dục.
- Người đang mắc các bệnh xã hội khác như lậu, sùi mào gà, viêm nhiễm…
- Người quan hệ tình dục không dùng biện pháp an toàn.
- Tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm giang mai vào lần đầu tiên thăm khám tiền sản và thời điểm thai được 28 tuần cũng như lúc sinh nở.
Mọi người cũng nên đi xét nghiệm giang mai nếu cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu, triệu chứng như sau:
- Cơ thể xuất hiện các vết loét nhỏ, không đau, không có mủ ở miệng, cơ quan sinh dục, trực tràng và hậu môn.
- Người hay bị nhức đầu, sốt cao.
- Người hay bị phát ban ở lòng bàn chân và lòng bàn tay.
- Người hay bị đau cơ.
- Người hay bị sút cân, mệt mỏi.
- Người hay bị rụng tóc từng mảng.
Các phương pháp xét nghiệm giang mai phổ biến nhất
Bệnh lý này cần được phát hiện sớm thông qua xét nghiệm giang mai để bác sĩ có hướng điều trị, can thiệp kịp thời để hạn chế xảy ra biến chứng, giảm thiểu nguy cơ tử vong. Hiện nay y tế đang có những phương pháp xét nghiệm bệnh lý giang mai như sau:
Xét nghiệm giang mai soi kính hiển vi trường tối
Đây là phương pháp xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định cho các bệnh nhân giai đoạn đầu. Thời điểm này xoắn khuẩn giang mai vẫn chưa lây lan sang các cơ quan khác, hơn nữa triệu chứng của bệnh vẫn chưa nghiêm trọng.
Bác sĩ sẽ thu thập mẫu bệnh phẩm ở dịch niệu đạo, vết loét hoặc dịch âm đạo để xét nghiệm giang mai. Ưu điểm của soi kính hiển vi trường tối đó là độ nhạy cao, xác định nhanh chóng xoắn khuẩn giang mai. Tuy nhiên phương pháp này còn tồn tại một nhược điểm đó là trả kết quả âm tính giả bởi vì mẫu bệnh phẩm lấy ở sai vị trí và nhầm sang các xoắn khuẩn khác cùng họ Treponema.
Xét nghiệm RPR
Nhắc đến các phương pháp xét nghiệm giang mai phổ biến nhất, chắc chắn không thể thiếu xét nghiệm RPR. Đây là phương pháp xét nghiệm được chỉ định cho bệnh nhân bị giang mai ở giai đoạn 2. Cơ chế chẩn đoán của phương pháp này đó là tìm ra loại kháng thể để chống lại xoắn khuẩn gây bệnh. Mẫu bệnh phẩm được lấy từ bệnh nhân đó là máu dưới tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ đọc kết quả xét nghiệm như sau
- Kết quả dương tính (+): Bệnh nhân đã mắc bệnh giang mai;
- Kết quả âm tính (-): Bệnh nhân không bị giang mai.
Tuy nhiên vẫn phương pháp xét nghiệm RPR vẫn có trường hợp bị âm tính/dương tính giả là do:
- Bệnh nhân đang gặp bệnh lý liên quan đến rối loạn miễn dịch tự nhiên (mang thai, ung thư,…).
- Bệnh nhân đang bị giang mai giai đoạn 1.
Chính vì thế khi chỉ định xét nghiệm giang mai RPR, để cho chắc chắn hơn các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác để đảm bảo tính chắc chắn về kết quả xét nghiệm.
Xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu của bệnh
Xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu của bệnh giang mai được thực hiện bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm là máu và dịch não tủy của người bệnh. Bác sĩ sẽ xét nghiệm để kiểm tra sự xuất hiện của những kháng thể đặc hiệu do cơ thể tự sản sinh ra để chống lại xoắn khuẩn giang mai. Phương pháp này sẽ bao gồm các xét nghiệm cụ thể như:
- Xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp hóa phát quang – CLIA.
- Xét nghiệm hấp thụ kháng thể Treponema huỳnh quang – FTA-abs.
- Xét nghiệm miễn dịch theo phương pháp điện hóa phát quang – ECLIA.
- Xét nghiệm TPHA định tính, định lượng.
- Xét nghiệm miễn dịch enzyme – EIA.
Kết quả xét nghiệm giang mai phải đợi bao lâu?
Kết quả xét nghiệm giang mai nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào một số yếu tố liên quan. Ví dụ như phương pháp xét nghiệm, tình trạng bệnh và trình độ của cơ sở y tế thực hiện:
Phụ thuộc vào tình trạng bệnh
Bởi vì thời gian ủ bệnh giang mai thường kéo dài từ 3 – 4 tuần, do đó khi làm xét nghiệm trong thời gian này thì kết quả trả về có thể không chính xác 100%. Vì vậy bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để đảm bảo tính chính xác. Hơn nữa các bác sĩ cũng khuyên mọi người nên xét nghiệm giang mai sau 4 tuần (tính từ lần quan hệ tình dục đáng ngờ nhất).
Phụ thuộc vào phương pháp xét nghiệm
Trong 03 phương pháp xét nghiệm giang mai vừa được chia sẻ thì phương pháp xét nghiệm bằng kính hiển vi trường tối là trả kết quả nhanh chóng nhất (khoảng 30 phút). Tuy nhiên tính chính xác của phương pháp xét nghiệm đó không cao, còn các phương pháp xét nghiệm hiện đại hơn sẽ đòi hỏi bác sĩ thực hiện nhiều thao tác hơn nên kết quả xét nghiệm trả về cũng lâu hơn nhưng kết quả đúng hơn.
Phụ thuộc vào cơ sở vật chất phòng khám và trình độ của bác sĩ thực hiện
Những cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ uy tín, chuyên môn cao và có lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hiện đại sẽ đảm bảo kết quả xét nghiệm giang mai chính xác và nhanh chóng hơn.
Vậy, xét nghiệm máu có phát hiện được bệnh giang mai không?
Đây là câu hỏi được khá nhiều người thắc mắc khi nói tới bệnh giang mai. Thực tế các cuộc nghiên cứu cho thấy, xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ phát hiện giang mai nhưng kết quả chỉ chính xác nếu bệnh đang ở giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3. Còn giai đoạn 1 thì xét nghiệm máu gần như không biết được bởi vì xoắn khuẩn Treponema Pallidum lúc này còn khá yếu.
Hy vọng với các thông tin vừa được chia sẻ tại bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ về bệnh giang mai và các phương pháp xét nghiệm giang mai đang được ứng dụng phổ biến nhất. Chúc bạn bảo vệ sức khỏe của chính mình và người thân thật tốt!
– Thực hành siêu âm Sản phụ khoa chuyên sâu (2D/ 4D/ 5D)
– Giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa – Đại học Y Dược TPHCM
– Thực hành chuyên môn tại Bệnh viện Gia Định | Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 1 TPHCM
– Phẫu thuật viên Nội soi chuyên sâu phụ khoa, Ung thư phụ khoa, Thám sát tử cung/ buồng trứng (hiếm muộn)
– Chứng chỉ thực hành Siêu âm vòi trứng chuyên sâu HYFOSY – BV Mỹ Đức & ĐHYD
– Hội viên Hội nội tiết sinh sản TPHCM (HOSREM)